15 thg 1, 2010

Tìm hiểu về Linh Sơn Cổ Tự

CHÙA LINH SƠN
Sưu tầm : Cư sĩ Nguyên Quang
o0o




I)- Vị trí

Chùa Linh Sơn thuộc làng Dạ Lê Thượng, xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. cạnh quốc lộ 1A hướng về phía Nam cách thành phố Huế khoãng chừng 7 km.
Chùa được xây dựng trên vùng đất cao ráo, nằm trước một ngọn đồi nhỏ có tên là núi Linh Sơn,phía trước cổng chùa là quốc lộ 1A, nhìn xa xa là cánh đồng ruộng bao la của làng Dạ Lê Thượng, hai bên tả hửu là khu dân cư đông đúc.




II)- Cảnh trí và cách thờ tự chùa cũ trước khi đại trùng tu

Chùa Linh Sơn không có cổng Tam quan, Khách vào chùa phải đi qua 4 trụ biểu to lớn uy nghi, tiếp đến là hồ bán nguyệt có nước quanh năm trồng đầy hoa sen hoa súng vây quanh hòn non bộ đắp nổi trên mặt nước. Xung quanh hồ có thành thấp bao bọc ngăn cách với bên ngoài. Sau hồ là một đỉnh lư vuông cổ, bằng vôi gạch nằm giữa sân được xây dựng từ thời nào không rõ.






Để đi vào chánh điện phải băng qua một cái sân vuông rộng khoản 300m2, có thành chắn và có 2 bồn hoa mai và cây cảnh kéo dài, giữa sân rộng với những chậu hoa kiểng được vun xén,cắt tỉa cẩn thận.


Tiếp theo là ngôi nhà tiền đường ba gian hai chái; khách quan đến viếng chùa phải bước lên 5 cấp mới đến nền giá cửa gỗ ngăn cách trong ngoài chánh điện. Trong tiền đường phía trước, hai bên đắp nổi hai pho tượng Hộ Pháp cao hơn 2m có bệ thờ;Ngài cầm bút, Ngài cầm gươm uy dũng. Tả hửu là lầu chuông, lầu trống.Để vào chánh điện phải đi qua một cái sân vuông rộng khoảng chừng 300m2, có thành chắn, có hai bồn hoa trồng mai và cây cảnh nối dài.





Chùa thiết kế từ xưa theo lối thờ dọc, trước khi qua cửa “buồng khoa” có một bàn thờ thổ thần nho nhỏ bên trái. Chùa xây dựng cột kèo bằng gỗ to lớn được chia hai phần, ngăn cách bởi một bức đồ gỗ, có cửa lớn liên thông phía sau. Phần trước chánh điện: Giữa thờ đức Bổn Sư Thích Ca bằng đồng; bên trái thờ đức Quan Thánh, bên phải thờ tượng Quán Thế Âm.

Dọc sát tường, hai bên có bàn thờ Tổ Đạt Ma, hai bên có bàn thờ 13 vị Thị sự có công lớn với làng và tận cùng mỗi bên thờ Ngài Hộ Pháp, đối diện là bàn thờ Ngài Tiêu Diện Đại Sĩ. Phần sau,chính giữa thờ Tổ Đạt Ma, hai bên có bàn thờ các vị trụ trì và các bài vị cổ thờ chư vị hữu công của làng từ những ngày đầu tiên hình thành làng xã. Hậu liêu rộng sát tường sau có hai sập gụ, nơi ngủ nghĩ của vị trụ trì. Cách xa đại điện 15m về phía bên trái có một giếng sâu từ ngày lập chùa, nước trong mát, là nơi cung ứng nước ngọt cho dân làng trong những tháng hạ oi bức, khô hạn thiếu nước.

Bên phải là nhà Tăng 3 gian, nơi thiện hữu vân tập học hỏi giáo lý, cũng là nơi tiếp khách quan viếng chùa. Tiếp nối là một Đoàn quán, nơi văn phòng và sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử Dạ Lê. Vườn chùa rộng khoảng 6000m2, có nhiều cây cổ thụ và cây ăn trái như: Mận, nhãn, thị, vãi, và nhiều cây khác có hoa quả quanh năm.




III/ Lịch sử

Theo tương truyền cũng như được lược ghi trong hồ sơ địa bộ của làng Dạ Lê Thượng thì sự tích ngôi chùa như sau:

Cách nay gần 350 năm; Khi vùng đất này còn hoang sơ, cây cối um tùm rậm rạp và dân cư còn thưa thớt. Ở địa đầu phía Tây của làng có một ngọn đồi, dân làng thường gọi là núi Tây Sơn, có nhiều cây cổ thụ của rừng nguyên sinh. Dân làng vốn sống bằng nghề nông, khi hết mùa thì vào rừng kiếm kế sinh nhai, thường hay bị cọp vồ bắt, ai ai cũng nơm nớp lo sợ. Nhân một hôm, có ông thầy địa lý người Minh Hương đi qua đây, biết được nỗi thao thức, lo lắng của người dân địa phương – nên dừng chân trú lại mấy hôm, nghiên cứu, xem xét cảnh quan phong thủy rồi bảo với các vị bô lão trong làng: “ngọn núi này có dáng hổ phục, nó đang nằm há miệng, nguy hiểm lắm đây!”. Rồi ông ta khuyên dân làng tạo dựng một thảo am thờ Phật Tổ ngay trước mặt "hổ", thì mọi sự được bình an và sau này phát tích nhiều bậc chân tu đạt đạo.

Dân làng tin theo nên đã chung sức, chung lòng, người góp của, kẻ góp công xây dựng thảo am vào năm Ất Hợi, 1694. Đến năm 1697, tôn trí tượng Phật Thích Ca bằng gỗ để thờ, và được mang tên chùa Tây Sơn từ đó. Sau một thời gian dài, nghiệm thấy sự tôn tạo ngôi chùa theo lời thầy địa lý rất linh nghiệm cho nên xin thỉnh Chư Thiên, Hộ Pháp cho đổi tên chùa là Linh Sơn Tự, và tên núi là Linh Sơn. (Căn cứ theo bức hoành phi: “Sắc tứ Linh Sơn Tự, Cảnh Hưng cửu niên 1748).




 Qua năm 1778, căn cứ theo bức hoành phi đánh dấu năm trùng tu lớn có ghi “Linh Sơn Tự Cảnh Hưng 39” và dòng chữ bên là “Tự lập Nguyễn Đình, tỳ - kheo tự Tuệ Đẳng”.





Năm 1784, sau cơn bão mạnh, chùa sập toàn bộ, nhờ sự hảo tâm của đại thí chủ là bà Cả Chất và người con gái là cô Quý Thuận hiến cúng ngôi nhà thờ của mình, để sửa lại chùa cho uy nghi hơn.

 Đến năm Gia Long ngũ niên, 1807 đúc tượng Bổn Sư bằng đồng cao 0.8m một tượng Hộ Pháp cao 0.6m cùng nhiều tượng Bồ tát, La – Hán lớn có, nhỏ có; và đại hồng chung nặng 435 cân hiện nay được đúc hoàn thành cùng lúc. Trên chuông, phía bên kia có ghi tên các vị hảo tâm cúng đường, bên này ghi các bài kệ tán dương công đức đúc chuông.





Và cũng từ đó linh địa này đã xuất sinh nhiều vị Cao Tăng trụ cột xiễn dương Phật Giáo khắp trong và ngoài nước thuộc cả hai hệ phái Bắc Tông và Nam Tông; đúng như câu tán dương truyền tụng trong sơn môn thuở nào: “Quảng Trị - trung Kiên, Thừa Thiên – Dạ Lê”; ý muốn nói nơi phát tích tu sĩ Phật Giáo thì ở Quảng Trị có làng Trung Kiên; còn ở Thừa Thiên thì có làng Dạ Lê.

Như quý Ngài:

1/- Ngài Thanh Thái – Huệ Minh, Tăng  Cang, tam tổ chùa Từ Hiếu.
2/- Ngài Trừng Thành Giác Tiên, khai sơn chùa Trúc Lâm.
3/- Ngài Mật Tín, trú trì chùa Trúc Lâm.
4/- Ngài tâm Hương – Mật Hiển, trú trì chùa Trúc Lâm.
5/- Ngài Giới Nghiêm, Tăng Thống Phật Giáo Nguyên Thủy.
6/- Ngài Tâm Thông – Quảng Nhuận, trú trì chùa Từ Quang.
7/- Ngài Tâm Giải – Tương Ưng, trú trì chùa Từ Quang.
8/- Ngài Viên Mãn, trú trì chùa Hoa Nghiêm, Tam Kỳ-Quảng Nam.

Hiện nay còn rất nhiều danh Tăng Ni đang trú xứ trong và ngoài nước.

IV/- Tình trạng chùa hiện nay


Đợt đại trùng tu chùa Linh Sơn được tiến hành từ năm 1972 đến năm 1974, tài lực chung sức gom góp giữa khuôn hội Phật Giáo Dạ Lê Thượng cùng toàn thể nhân dân gần xa trong làng qua sự đôn đốc của các vị Tộc trưởng và chư vị hảo tâm – đàn na – tín thí.

Ngôi chánh điện chỉnh trang hoàn toàn mới, thờ ngang. Tiền đường dính liền với chánh điện tạo nét cổ kính Long – Lân – Quy – Phụng. Nội điện tôn thờ đức Bổn Sư Thích Ca (tượng bằng đồng, đúc năm 1807), hai bên có hai tháp kính nhỏ tôn trí Xá-Lợi Phật và Xá-Lợi Thánh Tăng, nằm trong một khảm gỗ lồng kính.Bên ngoài, phía trước khảm gỗ có pho tượng Bổn Sư Thích Ca thếp vàng, to lớn uy nghi. Bên tả thờ Ngài Địa Tạng, bên hữu thờ đức Quán Thế Âm. Hậu liêu thờ Tổ Đạt Ma, hai bên thờ chư vị tiền bối hữu công của làng và quý vị trú trì đã viên tịch.





Phía sau chánh điện khoãng chừng 4m là ngôi nhà Linh năm gian. Gian giữa thờ các vị tiền bối hữu công với khuôn hội; bên trái thờ quý vị thiện nam tín nữ, bên hữu thờ chư vị huynh trưởng, gia trưởng và đoàn viên quá cố của Gia Đình Phật Tử Giạ Lê; hai gian nối tiếp hai bên là phòng nghĩ và nơi tiếp khách của chùa.

Đứng trong chùa nhìn ra trước sân rợp bóng mát của hai cội cây Bồ đề to lớn cùng đôi hàng sứ sần sùi, gân guốc đã trải qua hơn 80 lần xuân thu thi gan cùng mưa nắng và hòn non bộ rất uy nghi hùng dũng, . Đồng thời nhìn xa thêm một khoảng bên phải, trên một vùng đất rộng thoáng được tôn trí pho tượng Quán Thế Âm lộ thiên cao 3,5m. Công trình Quán Thế Âm bảo cát còn dỡ dang; Xin nguyện cầu tiếp tục tiến hành khi hội đủ duyên lành!


Ngôi chùa trùng tu hoàn thành cuối năm 1974, một đại trai đàn chẩn tế cầu nguyện âm siêu – dương thái được khai hội 7 ngày đêm, dưới sự chứng minh sám chủ của quý Ngài:

- Hòa Thượng Giác Nhiên,chùa Thuyền Tôn.
- Hòa Thượng Giác Nguyên, chùa Tây Thiên.
- Hòa Thượng Diệu Khai, chùa Viên Thông.

Cùng với sự có mặt của Hòa Thượng Mật Hiển, chùa Trúc Lâm; Hòa Thượng Tương Ưng, chùa Từ Quang cùng nhiều vị Tăng Ni đồng hương Nam – bắc Tông về tham dự. Trong lễ chẩn tế này có một buổi lễ chuyển quyền bàn giao quản lý ngôi chùa giữa làng Dạ Lê Thượng và Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Thừa Thiên.

Biên bản bàn giao gồm có:

1- Bản lượt ghi hiện trạng diện mạo ngôi chùa, tổng kê những pháp khí thờ tự và mọi vật dụng tôn trí liên hệ; đo đạt diện tích vườn chùa hiện có.
2- Các bản trích lục vườn chùa, ruộng, đất khô canh tác (có vài trích lục thất lạc sẽ tìm và chuyển sau), và một số văn bản tư liệu lịch sử khác.

3- Cam kết:

A- Bên giao:

- Thứ nhất: Chư vị Tộc trưởng đại điên toàn dân làng khẳng định quyền quản trị ngôi chùa Linh Sơn kể từ nay thuộc về Giáo Hội Phật Giáo đồng thời yêu cầu phối hợp với làng khi có phương việc gì thì liên hệ trách nhiệm chung.
- Thứ hai: Phong tục của làng hằng năm có lễ rước sắc Thần (hiện thờ tại chùa) về đình làng để tế lễ. Yêu cầu Giáo Hội nhanh chóng đề cử một số Thầy về luân phiên trú trì để ngôi chùa được chăm sóc chu đáo và khang trang hơn, đồng thời hỗ trợ con em dân làng tu tập và phát triển niềm tin vào Phật Giáo cổ truyền ngày càng sung mãn.


B- Bên nhận:

- Hòa Thượng Thích Mật Hiển cũng mong mõi quý Bác Tộc trưởng tuy đã bàn giao quyền quản trị cho Giáo Hội để việc chăm sóc, giữ gìn ngôi Tam Bảo càng ngày càng được mỹ toàn hơn; nhưng quý Bác nhớ cho rằng: Ngôi chùa này là do công lao của quý bậc Ông Cha chúng ta dày công xây dựng, nay phải lưu truyền cho con cháu đời sau góp ý giữ gìn ngày càng to đẹp hơn, tạo dựng một nơi tu tập linh thiêng cho muôn dân trong làng xã.









* Bên giao:

Đại diện các Họ Tộc trong làng:

- Nguyễn duy Quýnh
- Nguyễn viết Bích
- Nguyễn đình Luân
- Nguyễn viết Cự (thôn trưởng)
- Nguyễn đình Gia
- Nguyễn tất Cầu
- Nguyễn thanh Tiếu
- Nguyễn văn Lục




* Bên nhận:

- Đại diện GHPG tỉnh Thừa Thiên:
- Hòa Thượng Thích Mật Hiển
- Đặc ủy Tăng sự

Năm 1992, Hòa Thượng Thích Mật Hiển viên tịch, hồ sơ trên bị thất lạc, đồng thời qua thời gian đó hoàn cảnh không thuận duyên nên việc bổ nhiệm cắt cử vị trú trì chưa hoàn thành. Do đó, mọi sự quản lý,sinh hoạt và phát triển chùa Linh Sơn được Khuôn Hội Phật Giáo và Gia Đình Phật Tử Dạ Lê Thượng đảm trách.



Năm 1994, để bù đắp sự khiếm khuyết trên, một buổi lễ tái bàn giao quyền quản lý ngôi chùa Linh Sơn được tái diễn tại chánh điện chùa Linh Sơn giữa Hội đồng Tộc Trưởng làng Dạ Lê Thượng và 45 vị Tộc trưởng giao cho ban đại diện Khuôn hội Phật Giáo Dạ Lê Thượng – là đơn vị hành chánh cơ sở của Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Thừa Thiên, đảm trách – Buổi lễ khai diễn lúc 8 giờ ngày 09/6/1994, với nội dung như phiên bản bàn giao lần trước, tháng 12/1974 (trích lục và văn bản về đất có thiếu một phần).

Lễ bàn giao gồm có:

* Bên giao:

- Hội đồng Tộc trưởng làng Dạ Lê Thượng.
- 45 vị Trưởng tộc.







* Bên nhận:

- Khuôn GHPG Dạ Lê Thượng.
- Đại diện ban đại diện Khuôn.
- Khuôn trưởng: Đạo hửu: Nguyễn duy Nam.
- Pháp danh: Tâm Niệm









* Chứng tri:

- Đại diện chính quyền xã Thủy Phương:
- Chủ tịch Mặt trận dân tộc xã.
- Thôn trưởng thôn 1.

* Chứng minh lễ bàn giao:

- Đại diện GHPG huyện Hương Thủy: Chánh đại diện Thượng Tọa Thích Quang Tạng.






Và giờ đây, Khuôn giáo hội Phật Giáo Dạ Lê Thượng cùng Gia Đình Phật Tử Dạ lê chăm lo bảo tồn, tôn tạo; đồng thời cố gắng phát triển khi có cơ duyên.


  Viết tại chùa Linh Sơn
Cư sĩ Nguyên Quang
  Kỷ Sửu niên, trọng Hạ 2009



Bút tích 4 câu đối trên 4 trụ biểu trước chùa Linh Sơn của Thầy Phước Thành (Ôn Châu Lâm-Huế)


2 nhận xét:

  1. - Bức hoành vuông Sắc tứ LINH SƠN TỰ được tạo Ngày 26 tháng 2 năm BẢo ĐẠi thứ 19 - 1935 ;do Lễ Công Bộ cung lục. chứ không phải năm cảnh hưng (9)cửu niên 1748.
    - Bức Hoành LINH SƠN TỰ được tạo đầu mùa xuân năm Mậu Thìn năm Cảnh Hưng (9) thứ chín chứ không phải (39).
    - Tăng Cang; chứ không phải tăng cam (Ngài Thanh Thái – Huệ Minh, Tăng Cam Tam tổ chùa Từ Hiếu.)

    Trả lờiXóa
  2. Ngày nay với sự phát triển làm ăn trong kinh tế, sự tín ngưỡng và thờ phụng các phật đã được mọi người dân luôn chăm lo và nghĩ tới, nhiều nơi hẻo lánh, nơi thường xảy ra tan nạn, ... được người dân dựng lên những am thờ, miếu với mục đích cầu mong sự bình an che chở của các thần linh am thờ

    Trả lờiXóa